Đậu phụ, rau răm có thực sự là khắc tinh của đấng mày râu, dẫn đến yếu sinh lý?
Đậu phụ và rau răm được truyền nhau là khắc tinh của nam giới. Đàn ông thường xuyên ăn đậu phụ, rau răm được cho là sẽ giảm nhu cầu sinh lý. Thậm chí, có tin đồn bà bầu ăn nhiều đậu phụ và rau răm sẽ sinh ra đứa trẻ “ái nam, ái nữ”. Thực hư thế nào?
Đậu phụ và rau răm ăn như thế nào?
Trên nhiều diễn đàn mạng, nhiều quý ông và quý bà “đăng đàn”, trao đổi rầm rộ về chuyện ăn nhiều đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành cũng như ăn nhiều rau răm sẽ dẫn đến nguy cơ yếu sinh lý. Có người còn mạnh miệng tuyên bố ăn nhiều đậu phụ thì quý ông sẽ bị rụng râu và không còn nhu cầu của phái mạnh.
Nguyễn Cao Khanh, 29 tuổi, ở Hà Nội, tin rằng ăn nhiều đậu phụ sẽ làm giảm nhu cầu sinh lý. Khanh kể vào mùa Đông, cậu có cảm giác mình "khỏe" hơn mùa Hè. Đơn giản vì mùa Hè nóng, Khanh ăn nhiều đậu hơn, mỗi ngày đi làm về mệt lại ăn một cốc tào phớ hoặc uống một cốc đậu nành. Khanh tin rằng thủ phạm làm cậu thất thường "chuyện ấy" chính là món đậu nành.
Nhiều bạn trẻ còn lo lắng việc ăn đậu phụ cùng với rau răm khiến cho "chuyện ấy" càng không được như ý.
Ông Đỗ Văn Điều, 64 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội đi khám nam khoa vì bỗng nhiên có vẻ sung mãn hơn trước trong chuyện chăn gối. Vì không đáp ứng đủ ham muốn của chồng, vợ ông Điều đã lấy rau răm cho chồng ăn. Nấu canh gì, vợ ông cũng bỏ nhiều rau răm nhưng không có nhiều tác dụng. Cuối cùng, khi ông Điều đi khám, bác sĩ đưa ra kết luận hoàn toàn khác: biểu hiện của ông Điều là do u tuyến tiền liệt gây nên. Theo lương y Vũ Quốc Trung thuộc Hội Đông y Việt Nam, quan niệm ăn đậu phụ, rau răm làm giảm ham muốn, yếu sinh lý chỉ là quan niệm dân gian, chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh. Và trên thực tế, cũng chưa có ai ăn rau răm cùng đậu phụ dẫn đến biến chứng. Theo quan niệm của đông y, rau răm có tác dụng chữa bệnh tiêu hóa, thông tiểu, chống nôn. Nhiều người vẫn ăn canh đậu phụ, rau răm nhưng chưa ai phàn nàn về giảm nhu cầu sinh lý. Còn theo TS Phạm Việt Hoàng thuộc BV Tuệ Tĩnh, rau răm trong Đông y là bài thuốc quý. Vị thuốc này có tác dụng kích thích đường tiêu hóa, chống viêm hạ khí, hoạt huyết tiêu độc, trừ phong hàn.
Những dưỡng chất được tìm thấy trong rau răm có tác dụng giúp người sử dụng mạnh gân cốt, ích khí, làm sáng mắt, trị chuột rút (co gân), đồng thời giúp điều trị kém ăn, ăn không ngon miệng, tiêu chảy, đau bụng, đầy hơi, đau dạ dày. Ngoài ra, loại rau này còn có tác dụng điều trị sốt, chữa các bệnh ngoài da (sâu quảng, hắc lào), làm thuốc lợi tiểu, trị rắn cắn và chống nôn. Rau răm được xem là rau gia vị và người dân ăn rất ít, cũng không thể ăn hàng ngày. Quan niệm ăn rau răm với đậu phụ gây suy giảm sinh lý, TS Hoàng cho rằng rau răm có thể giảm tinh khí, gây nóng trong người nếu ăn quá nhiều, từ 0,5kg trở lên (gần như không ai ăn nhiều rau răm như thế).
Còn khi ăn những món ăn có rau răm, như trứng vịt lộn, cháo trai, các món hải sản thì rau răm không thể gây ra tình trạng liệt dương hay yếu sinh lý.
Trong khi đó, đậu phụ là món ăn giàu protein. Từ lâu, đậu phụ có tiếng là “kẻ thù" của quý ông do nhiều người lầm tưởng thành phần trong đậu phụ. Đậu nành làm đậu phụ là loại hạt rất giàu Isoflavones. Isoflavones còn được biết đến với tên gọi là Phytoestrogen. Chất này có cấu trúc gần giống với estrogen của phụ nữ. Chính vì thế, chất Isoflavones bị lầm tưởng là sẽ tác động, làm mất cân bằng và gây ảnh hưởng đến nội tiết tố nam. Tuy nhiên, trên thực tế, thành phần dinh dưỡng Isoflavones được tìm thấy bên trong đậu nành không phải là estrogen. Chính vì thế, quý ông không nên lo lắng việc ăn nhiều đậu phụ sẽ bị nữ tính hóa.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét