Rau răm có làm giảm sinh lí nam giới?
Rau răm không làm giảm khả năng sinh lí nam.
Dù rất muốn ăn kèm ăn rau răm trong một số món ăn, nhưng anh Đình Hoàng (Tân Phú, TP.HCM) lại không dám dùng vì nghe thông tin rau răm ảnh hưởng tới khả năng sinh lí nam giới.
"Lên mạng thấy rất nhiều thông tin ăn rau răm có hại cho nam giới, có thể gây yếu sinh lí nên tôi hạn chế tối đa ăn loại rau này, kể cả khi ăn vịt lộn, thi thoảng lắm tôi mới ăn kèm"- anh Hoàng bày tỏ.
Chia sẻ trên báo chí lương y Đinh Công Bảy cho biết, lời đồn thổi ăn rau răm bị yếu sinh lí, liệt dương- thì theo các lương y, chỉ có về mặt lí thuyết. Lương y Đinh Công Bảy lí giải, về lý thuyết, rau răm có thể gây ra nóng, giảm tinh khí, có thể làm suy yếu tình dục - kể cả nam và nữ. Đàn ông thì kém cường dương tráng khí, chân huyết sẽ khô đi còn phụ nữ có thể mất chu kỳ kinh nguyệt.
Rau răm là loại gia vị, thường ăn kèm các món ăn khác, không những không suy giảm sinh lí nam lại còn tốt cho sức khỏe. ẢNH: TUYẾT HƯƠNG
Tuy nhiên, để có thực tế này thì phải nạp vào cơ thể lượng rau răm rất lớn (từ 0,5kg trở lên) và ăn thường xuyên, mỗi ngày. Trong khi, rau răm là loại rau gia vị nên thường được dùng với lượng ít, ăn kèm với các món ăn khác. Do vậy, khi ăn món có rau răm, hay ăn trứng vịt lộn với rau răm không có chuyện bị yếu sinh lý hay liệt dương.
Điều này cũng được Bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch hội Đông y Việt Nam cho biết, chưa có tài liệu nghiên cứu khoa học nào khẳng định rau răm kìm hãm khả năng sinh lí nam. Đây là loại rau gia vị, ăn kèm món ăn chính khác, do đó khả năng chữa bệnh hay phát bệnh của nó không đáng kể và không cần đề phòng.
Ngoài ra theo Đông y, rau răm có vị cay, tính ấm, tác dụng kiện tỳ, ích vị, tiêu thực, trừ thấp. Thường dùng trong các trường hợp lạnh bụng, ăn uống không tiêu, phong thấp, làm gia vị giúp làm ấm, điều hòa tính lạnh của thức ăn. Vì vậy, rau răm hay được chế biến cùng với những món ăn mang tính hàn, hoặc khó tiêu.
Tờ Health Benefit Times cũng thông tin, rau răm không chỉ mang lại hương vị đặc trưng cho món ăn mà còn có nhiều lợi ích khác cho sức khỏe. Cụ thể, hoạt chất axit oxalic trong rau răm hỗ trợ, kích thích tiêu hoá, trị các chứng đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, còn hoạt chất flavonoid hoạt động như một chất chống oxy hóa. Ngoài ra rau răm còn có khả năng kháng khuẩn, chống lại một số loại vi khuẩn, nấm khác nhau, trong đó có virus Herpes simplex loại 1 (HSV-1) và vi rút viêm miệng dạng mụn nước (VSV)...
About Blog Royalceramic
0 nhận xét:
Đăng nhận xét