Giao thông đi đầu giúp huyện miền núi Lâm Hà đạt chuẩn nông thôn mới

Dấu ấn từ mạng lưới giao thông

Trong những năm 60 của thế kỷ trước, Hà Nội từng đưa dân lên các vùng cao phía Bắc làm kinh tế mới, nhưng rất ít thành công. Sau năm 1975, lãnh đạo Hà Nội và Lâm Đồng đã có những cuộc gặp trao đổi và đi đến thống nhất đưa một bộ phận dân cư Thủ đô lên lập nghiệp ở cao nguyên Lâm Viên.

Năm 1976, những bước chân đầu tiên của 30 cán bộ Ban Kinh tế mới, hầu hết còn rất trẻ làm công tác tiền trạm đặt lên những cánh rừng già cao nguyên còn đầy bom đạn, nơi tàn quân Fulrô vẫn lén lút hoạt động…

Huyện Lâm Hà long trọng đón nhận Huân chương lao động hạng 3 và được Công nhận huyện chuẩn nông thôn mới

Trong buổi đầu đầy cam go ấy, những chàng trai, cô gái, những kỹ sư, bác sĩ, giáo viên Hà Nội đã lao động cật lực, đổ biết bao mồ hôi, và cả máu để 5.060ha đất được khai hoang, 5.141 căn nhà, 1.285 giếng nước được xây dựng. Rồi hệ thống điện, đường, trạm xá, trường học từ mầm non tới THPT… hình thành. Hơn một năm sau, những hộ dân đầu tiên từ các vùng quê Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng, Từ Liêm và cả ở Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa… bước đầu an cư tại vùng đất mới.

Đến năm 1987, huyện Lâm Hà chính thức được thành lập với 19 đơn vị hành chính, bao gồm 2 thị trấn. Có nhiều địa danh được đặt tên trùng với địa danh thủ đô Hà Nội như các xã Gia Lâm, Mê Linh, Hoài Đức, Liên Hà, Đan Phượng, Phúc Thọ, Đông Thanh…

Huyện Lâm Hà có trục đường chiến lược chính là QL27 nối với QL20 ở ngã ba Liên Khương, chạy đến thành phố Buôn Ma Thuột, đoạn qua địa phận Lâm Hà dài 77 km. Tỉnh lộ 725 nối Lâm Hà với thành phố Đà Lạt có 29km đi qua địa phận Lâm Hà, được chia làm 2 đoạn: nối với quốc lộ 27 ở N’Thôn Hạ đi Tà Nung và nối với quốc lộ 27 ở Đinh Văn đi Tân Hà. Đây là tuyến đường nối liền trung tâm huyện với 2 vùng kinh tế quan trọng của huyện là Nam Ban và Lán Tranh. Toàn huyện đã xây dựng được mạng lưới giao thông với tổng chiều dài 778km bảo đảm tất cả đường đến xã đã được bê tông hóa, ô tô chạy đến được tất cả các xã.

Giao thông là dấu ấn đầu tiên mà chính quyền Hà Nội giúp đỡ huyện Lâm Hà. Theo UBND huyện Lâm Hà, đến cuối năm 2020, toàn huyện Lâm Hà có tổng chiều dài các tuyến đường giao thông được nhựa hóa, bê tông hóa và cứng hóa đạt chuẩn 1.151.6 km (đạt 82,58%); trong đó, đường trục xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hoá và bê tông hoá 303,2 km (đạt 100%).

Đường trục thôn và đường liên thôn có tổng chiều dài là 183,5 km, đã được cứng hoá 167,0 km (đạt 91%). Đường ngõ, xóm được cứng hóa 671,6 km, đạt 74,8%. Đường trục chính nội đồng có tổng chiều dài 9,88 km, đã được bê tông hóa 9,88 km, đạt 100%.

Tổng kinh phí đầu tư cho giao thông giai đoạn 2010 - 2020 là 1.397,542 tỷ đồng.

Một lãnh đạo huyện Lâm Hà, cho biết ước tính chính quyền Thủ đô Hà Nội hỗ trợ đến hơn 50% kinh phí bê tông hóa đường liên thôn, liên xã.

Những tuyến đường khang trang, tạo lên bộ mặt mới tại trung tâm huyện Lâm Hà

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa

Đây là thành quả sự cố gắng của 29 dân tộc chung sống trên mảnh đất này. Nếu 35 năm trước, khi cái tên Lâm Hà xuất hiện trên bản đồ hành chính, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 50%, thậm chí còn tới 30% dân số trong tình trạng thiếu đói, thì đến năm 2020 huyện đặt mức phấn đấu đưa tỷ lệ hộ nghèo chung còn dưới 2%, trong đó hộ nghèo là người dân tộc thiểu số còn dưới 5%.

Ngày xưa người Thủ đô vào Lâm Hà lập nghiệp, ngày nay người Thủ đô vào đây để làm giàu

Để đạt mục tiêu đó, Lâm Hà đang phấn đấu đạt mức giảm nghèo bình quân hàng năm từ 0,5 - 1%, riêng hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm tối thiểu từ 1,5 - 2%/năm. Từ những khó khăn bộn bề thuở ban đầu, mới đây, ngày 12/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 812/QĐ-TTg công nhận huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Lâm Hà có khí hậu ôn hòa và đất đai màu mỡ, hầu hết là đất đỏ bazan rất thích hợp phát triển nông nghiệp, đặc biệt là trồng cây công nghiệp dài ngày và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Với tổng diện tích khoảng 93.000ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 58.500ha, Lâm Hà cũng là địa phương thuộc nhóm huyện sản xuất nông nghiệp với quy mô hàng hóa có các sản phẩm phong phú, đa dạng nhất tỉnh Lâm Đồng.

Nếu đi từ Hà Nội bay vào Lâm Hà chỉ mất 2h. TP Hồ Chí Minh chỉ cách Lâm Hà khoảng 330km nên du khách các tỉnh miền Tây và miền Đông có thể tới đây bằng ô tô, hoặc cũng có thể đi máy bay từ Tân Sơn Nhất tới Liên Khương rồi di chuyển đến Lâm Hà thêm 20km một cách thuận lợi.

Một vị lãnh đạo UBND huyện Lâm Hà đã chia sẻ: “Trong số nhà đầu tư mua đất tại Lâm Hà thời gian gần đây, người có hộ khẩu Hà Nội chiếm hơn 40%. Người Hà Nội đầu tư vào Lâm Hà không chỉ vì họ có người thân lập nghiệp tại đây, mà còn vì họ nhìn thấy tương lai đầy hứa hẹn của vùng đất này”.

Với những bước phát triển mạnh mẽ của 29 dân tộc anh em, ngày 28/10/2022 huyện Lâm Hà xứng đáng được công nhận huyện nông thôn mới và đón nhận Huận chương lao động hạng 3.



Theo dõi thông tin mới nhất tại Mekoong tin tức

About Blog Royalceramic

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét