Tuyến QL14C là tuyến đường huyết mạch đi từ Ngọc Hồi qua Sa Thầy, đến Ia H’Drai rồi về Gia Lai được sửa chữa, nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại giao thương, buôn bán, trao đổi hàng hóa của đồng bào các dân tộc sinh sống nới đây.
Những chiếc xe tấp nập chở hàng hóa và các sản phẩm của người dân, doanh nghiệp làm ra đi trên con đường huyết mạch này. Đây là điều kiện thuận lợi để Ia H’Drai thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống người dân.
Tuyến đường 14C đi qua trung tâm huyện Ia H'Drai khang trang làm thay đổi diện mạo huyện mới thành lập
“Con đường được đầu tư hoàn thiện không chỉ tạo điều kiện cho buôn bán hàng hóa của người dân mà nó còn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của huyện.
Một khi giao thông được thông suốt cũng giúp cho huyện thuận lợi hơn trong việc thu hút đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến đầu tư tại huyện, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của huyện ngày càng phát triển…”, ông Nguyễn Hữu Thạch, nguyên Bí thư Huyện ủy Ia H’Drai cho biết.
Điều ấn tượng đầu tiên với tôi khi trở lại Ia H’Drai là hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm được xây dựng khang trang. Các tòa nhà, trụ sở làm việc của các cơ quan hành chính trung tâm huyện xây dựng san sát theo đúng quy hoạch.
Đặc biệt, hầu hết các tuyến đường ở khu trung tâm huyện đều được thiết kế to, rộng theo ô bàn cờ tạo nên hệ thống giao thông liền mạch, bài bản và đẹp mắt.
Chia sẻ điều này, một lãnh đạo huyện cho hay, huyện Ia H’Drai thành lập sau, tách ra từ xã Mô Rai, nên rút kinh nghiệm từ các huyện khác, ngay từ đầu chúng tôi đã chú trọng đến việc quy hoạch, thiết kế một cách bài bản, tính đến hướng lâu dài cho sự phát triển để làm tiền đề cho xây dựng một thị trấn, thị xã sầm uất và đẹp trong tương lai ở vùng biên cương này.
Một buổi sáng thức dậy giữa vùng biên cương, hít thở bầu không khí trong lành, tôi dạo bước tập thể dục xung quanh khu trung tâm huyện.
Trước trung tâm hành chính huyện Ia H’Drai, buổi sáng sớm tôi được chứng kiến cảnh xe tải chở hàng hải sản lên đây để bỏ hàng. Đây là điều vài năm trước đây người dân không dám nghĩ tới.
Một người dân ở đây tươi cười nói: “Nơi đây không còn thiếu muối thiếu rau như cách đây vài năm nữa. Từ ngày tuyến QL14C làm lại, giao thông kết nối với thành phố Pleiku rất thuận lợi, chúng tôi được mua đồ tươi sống không khác gì người thành phố”.
Còn chị Hiền là chủ buôn cá tâm sự, chiếc xe tải nhỏ của chị 1h sáng nhận cá dưới cảng cá Quy Nhơn, vượt 150km đến khoảng 4h chị bỏ chợ đầu mối Pleiku. Tiếp tục đi 70km, đến 6h sáng bỏ hàng tại trung tâm huyện Ia H’Drai.
Khi thành lập huyện, muốn về trung tâm thành phố Kon Tum, cán bộ và người dân huyện phải vòng qua Gia Lai ra thành phố Pleiku. Nhưng khi tuyến QL14C, tuyến đường huyết mạch đi qua huyện được sửa chữa, nâng cấp, rút ngắn được 1/2 quãng đường về tỉnh lỵ đã tạo điều kiện thuận lợi cho Ia H’Drai phát triển về mọi mặt.
Trở lại Ia H’Drai, tôi thực sự ngạc nhiên trước sự phát triển của huyện vùng biên này. Đi dọc 3 xã Ia Dom, Ia Tơi, Ia Đal, đường liên xã từ huyện mới Ia H’Drai về các xã đã được bê tông hóa, thảm nhựa người dân không còn phải đi trên con đường nắng bụi, mưa trơn nữa.
Từ trung tâm các xã đến các thôn, nhờ sự quan tâm đầu tư nên đến nay, đa số những con đường thôn đều được bê tông hóa hoặc rải cấp phối đá dăm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, trao đổi hàng hóa.
Ở các khu tái định cư mới cũng đã và đang được huyện Ia H’Drai tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân.
Chính quyền chủ động nhập khẩu, xây nhà cho bà con trên hồ thủy điện Sê San yên tâm "an cư lạc nghiệp"
Chị chủ quán nước ven đường gần đồn biên phòng, trên địa bàn xã Ia Đal, tâm sự: “Ở đây chúng em hầu hết là người Thanh Hóa vào từ khoảng 5 năm trở lại đây. Khi mới vào đây đến mấy năm em không về vì mỗi lần về phải đón xe mất một ngày xuống phố, rồi mới mua vé về quê.
Mấy năm nay, đường đẹp xe vào tận đây đón, nên năm nào nghỉ hè em cũng cho cháu về quê. Cuộc sống của người dân đã đổi thay rất nhiều.
Những ngày này, đi đâu, đến bất cứ gia đình nào ở huyện biên giới Ia H’Drai, chúng ta dễ dàng nhận thấy cuộc sống người dân đã đổi thay nhiều.
Điện, đường, trường, trạm được đầu tư, xây dựng; hoạt động thương mại, dịch vụ từng bước hình thành và phát triển, đời sống người được nâng cao, bộ mặt nông thôn mới ngày càng phát triển.
Có được kết quả này là sự nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức của người dân, nhất là những đóng góp của các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn.
Đến với xã Ia Tơi, nơi có diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện Sê San rộng, với nguồn lợi thủy sản phong phú và chính lợi thế này mà từ những năm 2010 đã thu hút nhiều cư dân các tỉnh miền Tây Nam bộ đến đây định cư, đánh bắt hải sản và làm du lịch.
Chính quyền huyện Ia H’Drai đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nhập khẩu, hỗ trợ chỗ ở, làm nhà để người dân ổn định cuộc sống.
Đồng thời, tiến hành quy hoạch, phân luồng, làm hệ thống an toàn giao thông, phân luồng lạch và các hộ kinh doanh phải có phao cứu hộ trên thuyền, thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn.
Ngôi làng chài Sê San 4 cũng dần ổn định và phát triển. Giờ đây, làng chài Sê San 4 được huyện Ia H’Drai xây dựng làm điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách khi đến với Ia H’Drai.
Tiềm năng và lợi thế ở Ia H’Drai đang được chính quyền, doanh nghiệp và người dân khơi dậy để mang lại sức sống mới nơi đây.
Tin rằng, với tiềm năng và thế mạnh của mình, cùng với sự quyết tâm, đồng sức, đồng lòng của toàn dân, huyện Ia H’Drai sẽ phát triển bền vững và trở thành huyện kiểu mẫu vùng biên giới trong tương lai gần.
Theo dõi thông tin mới nhất tại Mekoong tin tức
0 nhận xét:
Đăng nhận xét