Bà con dân tộc “ngóng” tàu an sinh, vé rẻ
Cách đây đã hơn 2 năm, có mặt trên chuyến tàu khách từ ga Quán Triều (Thái Nguyên) đi ga Long Biên, PV Báo Giao thông không khỏi ngạc nhiên khi tàu quá vắng trong khi toa xe sạch sẽ, thoải mái.
Dọc theo chuyến tàu, có cả toa xe ghế ngồi chất lượng cao, điều hòa không khí, có cả toa xe ghế ngồi cứng. Tàu khởi hành tại ga Quán Triều, 3 toa tàu chỉ có khoảng 40 khách, rồi qua ga Thái Nguyên, Lưu Xá... hành khách lên đông dần.
Tàu Long Biên - Quán Triều trước thời điểm dừng chạy đầu năm 2020, phục vụ bà con đi lại trên tuyến
Trên toa ghế ngồi cứng thông thoáng, chị Hoàng Liên, nhà ở TP. Thái Nguyên cho biết, chị theo tàu về Hà Nội để đi khám bệnh, xong việc chị lại theo chuyến tàu này quay về. Chị là khách hàng quen vì hầu như tháng nào cũng đi Hà Nội khám bệnh.
“Đi tàu này vừa sạch sẽ, thoải mái, lại an toàn. Giá vé rẻ nữa, như toa này có 39.000đ/vé, còn toa lạnh 55.000đ/vé. Tôi không đi ô tô, không đi, say xe lắm. Đi tàu quen rồi”, chị Liên chia sẻ.
Tuy nhiên, hiện tàu khách trên tuyến Long Biên - Quán Triều đã dừng chạy từ tháng 3/2020 sau khi dịch Covid-19 bùng phát. Đại diện Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, đơn vị tổ chức chạy tàu trên tuyến cho biết, cùng đó các tàu khách trên tuyến Hà Nội - Đồng Đăng cũng dừng chạy.
Nguyên do, ngoải ảnh hưởng đại dịch thì chủ yếu là do việc tổ chức chạy tàu khách trên các tuyến kết nối vùng cao, biên giới với thủ đô Hà Nội không hiệu quả, vì chi phí bỏ ra nhiều, nhưng giá vé lại rẻ, nên khách có kín chỗ cả đoàn tàu 3-4 toa xe thì doanh thu cũng không đủ bù chi.
Theo vị đại diện, tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng qua nhiều xã nghèo, miền núi khó khăn, giao thông đường bộ không thuận tiện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn. Điển hình như khu vực Bắc Thủy, Bản Thí, huyện Chi Lăng hay khu vực xã Tân Thành, xã Hòa Thắng (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn), xã Hương Sơn (huyện Lạng Giang, Bắc Giang).
Vì vậy, tàu khách trên tuyến này chủ yếu phục vụ nhu cầu đi chặng ngắn của học sinh, sinh viên, bà con đi chợ và đặc biệt là các bà con dân tộc thiểu số như Tày, Nùng ở khu vực các ga: Kép, Vôi Xô, Phố Vị, Sông Hóa, Chi Lăng, Đồng Mỏ, Bắc Lệ, Bản Thí và Yên Trạch.
Còn tuyến Long Biên - Quán Triều qua các ga có nhiều bà con dân tộc, bà con nghèo như ga Quán Triều gần với địa bàn người Sán Dìu, người Tày, người Nùng nên bà con thường xuyên đi lại bằng tàu; Ga Phổ Yên thường xuyên có bà con đi chợ măng nông sản địa phương về khu vực Gia Lâm (Hà Nội)...
“Tàu dừng nhiều ga, trong đó có các ga không thuận lợi về đường bộ. Mặt khác giá vé đường bộ cũng cao hơn so với đường sắt. Do vậy mà bà con dân tộc thiểu số ở các khu vực trên chỉ chọn tàu hỏa là chính, nhằm trao đổi hàng hóa nông sản của vùng, cũng như đi lại học tập, khám bệnh”, vị đại diện cho hay.
Đẩy nhanh tiến độ lập kế hoạch chạy tàu an sinh
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, tuy tàu đã dừng chạy trên các tuyến này nhưng vẫn có những hành khách mong muốn được đi tàu do nhà ở địa bàn xa quốc lộ, gần ga hơn, người say xe, người đi chữa bệnh, nhất là bà con dân tộc ở vùng cao, vùng sâu, các khu vực nghèo, khó khăn. Các tỉnh có chuyến tàu đi qua, người dân đã nhiều lần đề nghị chạy tàu lại.
Tàu Long Biên - Quán Triều đón, tiễn hành khách lên, xuống tàu tại ga Thái Nguyên
Nhưng để chạy tàu, doanh nghiệp cần được Nhà nước hỗ trợ bù đắp chi phí chạy tảu còn thiếu do doanh thu thấp. Do đó, công ty đã kiến nghị cấp có thẩm quyền có cơ chế cho doanh nghiệp tổ chức chạy tàu an sinh, Nhà nước bù lỗ để phục vụ bà con đi lại.
Sau một thời gian nghiên cứu, vừa qua, Bộ GTVT đã hành hành Thông tư 32/2022/TT-BGTVT ngày 9/12/2022 ban hành một số định mức kinh tế - kỹ thuật phục vụ việc xây dựng kế hoạch chạy tàu an sinh xã hội; áp dụng thí điểm đối với 2 tuyến đường sắt Gia Lâm - Quán Triều và Gia Lâm - Đồng Đăng.
Theo đó, Thông tư 32 quy định một số định mức kinh tế kĩ thuật cụ thể về định mức nhân công, định mức nhiên liệu, định mức sửa chữa đầu máy... Đây là cơ sở, căn cứ lập kế hoạch, thẩm định kế hoạch để tổ chức chạy tàu an sinh.
Ngoài ra còn nhiều chi phí khác phát sinh trong thực tế chạy tàu. Thông tư quy định, trong quá trình xây dựng, thẩm định kế hoạch chạy tàu an sinh xã hội, những chi phí này được phép thí điểm áp dụng định mức nội bộ do doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt ban hành hoặc thanh, quyết toán theo giá trị hóa đơn của doanh nghiệp với các đơn vị cung cấp dịch vụ, bảo đảm phù hợp với thực tế chi phí tàu an sinh xã hội và các quy định hiện hành.
“Việc tổ chức chạy tàu an sinh được bắt đầu từ năm 2024 và tiến hành đánh giá sau 3 năm thực hiện (2024-2026) để làm cơ sở đề xuất xây dựng ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật phục vụ tổ chức chạy tàu an sinh xã hội áp dụng trong các năm tiếp theo.
Do vậy, ngay từ bây giờ công ty đã tiến hành các bước lập kế hoạch chi tiết để trình các cấp phê duyệt vào năm 2023, mục tiêu có thể nhanh chóng tổ chức chạy tàu an sinh hai tuyến này vào năm 2024, phục vụ bà con đi lại bằng tàu hỏa”, đại diện Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội nói.
Theo dõi thông tin mới nhất tại Mekoong tin tức
0 nhận xét:
Đăng nhận xét