Từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Kông Chro (T. Gia Lai) ưu tiên đầu tư phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Một nhóm phụ nữ ở xã Sró tập đánh cồng chiêng.
Công trình thiết thực
Nhiều năm trước đây, cánh đồng suối Mtăh thuộc 3 làng thuộc 3 làng gồm Cước, Ya Ma và Sró (X. Sró, H. Kông Chro) quanh năm thiếu nước tưới. Mỗi năm chỉ trông cậy vào một mùa mưa. Và thế, khoảng 500ha đất của 3 làng này hầu như chẳng tạo nên được bao nhiêu lúa gạo cho hàng nghìn người dân Ba Na. Cuộc sống của người dân nơi đây gần như phụ thuộc vào nước mưa của trời...
Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, trên cơ sở nguồn vốn đầu tư của trung ương và địa phương, huyện Kông Chro đã đầu tư xây dựng công trình đập tràn làng Cước với kinh phí hơn 5 tỉ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Và cũng kể từ ngày con đập hình thành, mương nước được trải đều trên diện tích cánh đồng lớn hơn 1.400 người dân tộc thiểu số tại khu vực này dần trở nên no đủ hơn. Cuộc sống của người dân ngày một khấm khá nhờ canh tác 2 vụ mùa, và cốt yếu nhất là không lo mùa hạn thiếu nước...
Ông Đinh Thế Song-Phó Chủ tịch UBND xã Sró cho biết, kể từ ngày công trình này được hoàn thành đã khiến người dân bớt đi nỗi lo vụ mùa. Cũng theo ông Song, nhiều năm qua, địa phương đã nhận được sự quan tâm của tỉnh và huyện trong đầu tư xây dựng cơ bản khiến cho bộ mặt địa phương thay đổi diện mạo.
"Đặc biệt là giao thông nông thôn mới được cải thiện để phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất của người dân. Trong số này, nhiều công trình đã phát huy hiệu quả bước đầu, không những giải quyết được nhu cầu đi lại mà còn làm giảm chi phí vận chuyển, nâng cao thu nhập cho bà con, góp phần xóa đói giảm nghèo”.
Còn tại xã Đak Pơ Pho, trước đây, đường vào xã này hết sức khó khăn, cách trở. Vào mùa mưa lũ, có những đoạn đường không thể đi vào được đến làng người dân. Nhiều người dân nếu đau ốm nhờ những thanh niên trong làng cột võng để khiên ra đường lớn rồi bắt xe đi bệnh viện. Nông sản thì bị tư thương ép giá.
Tuy nhiên, chỉ mới đây thôi, cả 5 con đường đến 5 thôn làng tại xã này đã được đầu tư xây dựng kiên cố, ô tô có thể vào được tận những nương rẫy để vận chuyển hàng hoá, người dân ai cũng vui vì có những con đường kiên cố này đã góp phần đổi thay cả những ngôi làng xa tít chân núi.
Ông Trương Quang Giàu, Chủ tịch UBND xã Đak Pơ Pho cho rằng, được như ngày hôm nay là nhờ vào cấp trên nên giao thông trong xã không còn khó khăn như trước, việc đi lại của bà con rất thuận lợi. Không những giao thông đến các trụ đường làng mà ở các khu sản xuất đã được đầu tư kiên cố.
"Trong năm nay, từ nguồn vốn phân bổ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã được đầu tư làm đường bê tông ra khu sản xuất thôn 3 và thôn 4, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn của địa phương", ông Giàu cho biết.
Giao thông đã thay đổi diện mạo của các xã tại huyện Kông Chro, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội tại địa phương.
Nối dài những con đường
Theo huyện Kông Chro, từ năm 2020 đến nay, toàn huyện đã sửa chữa hơn 150 hạng mục công trình giao thông với tổng chiều dài hơn 266 km. Việc mở rộng các tuyến đường liên thôn, liên xã đã kết nối lưu thông, góp phần giải quyết tình trạng cô lập vào mùa mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, đi lại của người dân.
Mặt khác, việc ưu tiên đầu tư phát triển giao thông nông thôn đã thu hẹp dần khoảng cách giữa các làng đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa của huyện, trở thành đòn bẩy giúp các địa phương thoát nghèo bền vững.
Kông Chro đã kết hợp, lồng ghép và huy động các nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông nông thôn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là từ các chương trình mục tiêu Quốc gia.
Chỉ tính trong năm 2022, với kinh phí hơn 124 tỷ đồng, huyện Kông Chro đã tập trung vào các dự án giao thông nông thôn, sửa chữa các tuyến đường huyết mạch như: đường từ thị trấn Kông Chro đi xã Đak Pling, Đak Tơ Pang; đường liên xã Kông Yang-Đak Tơ Pang; bê tông hóa đường nội làng của các xã, đường ra khu sản xuất để giải quyết việc đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế-xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng.
Ông Phan Thanh Vân, Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Kông Chro cho biết, "huyện ưu tiên các nguồn lực đầu tư, đến nay, đường giao thông kết nối đến các thôn, làng vùng sâu được bê tông hóa gần như hoàn toàn. Đặc biệt nhất là các tuyến đường dân sinh, đường sản xuất tại các khu dân cư vẫn còn nhiều khó khăn.
Vì vậy, huyện vẫn ưu tiên tất cả nguồn lực của các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư hạ tầng giao thông nhằm giải quyết khâu đi lại này với mục tiêu vừa đảm bảo phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế của người dân.
“Trong nhiệm kỳ này, chúng tôi chủ động tham mưu cấp ủy Đảng và chính quyền để xây dựng kế hoạch trung hạn, dài hạn. Ngoài phát huy nội lực, huyện mong muốn cấp trên tiếp tục quan tâm và tăng nguồn kinh phí đầu tư để triển khai xây dựng, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông nhằm góp phần khai thác tốt tiềm năng, từ đó đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Từ nay đến năm 2025, huyện tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn của trung ương và địa phương (khoảng gần 40 tỷ đồng) để triển khai nâng cấp, tu bổ, làm mới các công trình, đặc biệt chú trọng các công trình kết nối tới những vùng sản xuất lớn, vùng nguyên liệu, vùng đông dân cư theo nghị quyết của Đảng bộ huyện”, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Kông Chro khẳng định.
Theo dõi thông tin mới nhất tại Mekoong tin tức
0 nhận xét:
Đăng nhận xét